Làm Chuồng Nuôi Gà Tre Đơn Giản, Đúng Yêu Cầu Kỹ Thuật
Chuẩn bị làm chuồng gà tre
Vị trí xây dựng chuồng trại cần phù hợp với quy hoạch tổng thể của cả khu vực và địa phương, đặc biệt đối với mô hình nuôi gà tre hướng thịt.
Vị trí dễ quản lý, chăm sóc, đủ rộng để xử lý chất thải, nước thải.
Không làm chuồng nuôi gà tre chung với chuồng nuôi nhốt các loại gia súc, gia cầm khác.Xung quanh chuồng nên trồng cây xanh tạo bóng mát cho gà.
Hướng xây chuồng tốt nhất là hướng Đông Nam có gió mát mẻ vào mùa hè và tránh được mưa tạt, gió mùa đông bắc khi trời lạnh
Đối với gà tre đá, khâu làm nền chuồng cần được đặc biệt chú ý để không làm ảnh hưởng đến đôi chân và mỏ, đảm bảo gà tre thiện chiến, sung sức, đẹp mã. Nền chuồng nuôi gà tre không được quá cứng hoặc quá mềm sẽ làm cho gót chân gà bị sưng cụm bàn.
Thông thường, nền chuồng được láng gạch hoặc xi măng sau đó rải thêm một lớp cát để phủ lên nền, độ dày từ 3 - 4cm đảm bảo độ tơi xốp giúp gà thích ứng tốt nhất. Đây là một yếu tố quan trọng trong cách làm chuồng gà tre mà người nuôi không được bỏ qua.
Bà con cũng có thể sử dụng dăm bào, vỏ trấu, mùn cưa, rơm khô băm nhỏ. Khi thay chất độn chuồng thì có thể tận dụng làm phân trộn, phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Để nền chuồng thông thoáng thì bên dưới đế sàn cũng cần làm thêm lỗ thông khí để thoát nước khi trời mưa ẩm. Nền chuồng phải thuận tiện cho việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.
Chuồng nuôi gà tre yêu cầu độ thông thoáng cao, tuy nhiên cần đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh thất thoát, đặc biệt đối với gà tre kiểng vì giá thành có thể lên đến hơn 1 triệu đồng/cặp.
Xung quanh khu vực chuồng nuôi nên sử dụng lưới thép B40 cao ít nhất từ 1m trở lên để vừa thoáng mát vừa an toàn. Ngoài ra, các hộ nuôi nhỏ lẻ cũng có thể sử dụng lưới nilon hoặc cọc tre, gỗ... làm rào chắn quanh vườn để tiết kiệm chi phí, nhưng các nguyên liệu này thường có độ bền kém hơn.
Các kiểu chuồng nuôi gà tre
Cách làm chuồng gà tre đơn giản, khá gần với cách làm chuồng gà chọi.
Nguyên liệu làm chuồng nuôi gà tre phụ thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình, mỗi địa phương và mục đích chăn nuôi gà tre. Phổ biến nhất là những kiểu chuồng làm bằng lưới thép, tre, gỗ, nứa và xây bằng gạch khép kín.
Chuồng nuôi gà tre bằng lưới thép được sử dụng phổ biến hơn cả vì dễ làm, đảm bảo độ thông thoáng, có thể quan sát các hoạt động của gà, thậm chí còn được đã mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự dũng mạnh của những chú gà tre đá chọi. Tuy nhiên nhược điểm của kiểu chuồng này là vào mùa đông gió lùa khá lạnh. Do đó cần có biện pháp quây vải bạt xung quanh.
Khu vực đặt chuồng phải cao, không để gà bị ướt khi trời mưa, thông thường sẽ lát cao lên từ 2 - 3 viên gạch. Chuồng phải có cột trụ chắc chắn tránh tình trạng gà phấn khích quá có thể bị đổ.
Người nuôi có thể thiết kế chuồng gà tre lưới thép ngăn thành các ô đơn lập dùng để nhốt gà trống trưởng thành kích thước tối thiểu của mỗi ô chuồng: chiều rộng 1m, chiều ngang 1,5m thiết kế cửa chuồng ở phía trên hoặc ngang hông để thuận tiện khi bắt gà.
Chuồng nuôi làm bằng tre, gỗ, nứa dễ kiếm, sẵn có, tiết kiệm được một khoản chi phí khi thiết kế chuồng trại. Tuy nhiên độ bên lại không được lâu. Các thanh tre, gỗ, nứa phải được vót thật phẳng, mịn tránh làm tổn thương đến gà.
Chuồng gà có thể phân chia thành các ô nuôi nhốt, kích thước chuồng: rộng khoảng 2 - 3m, dài 3,5m là phù hợp. Có thể sử dụng lá dừa, lá cọ để lợp mái cho thông thoáng, mát mẻ.
Chuồng nuôi gà tre bằng gạch xây cũng được áp dụng khá phổ biến hiện nay. Kiểu chuồng thường có 1, 2 hoặc 3 mặt là gạch xây, các mặt còn lại dùng lưới thép hoặc song sắt quây lại chắc chắn, đảm bảo độ thông thoáng, thoải mái nhất do gà phát triển.
Độ cao của chuồng gà khoảng 2m trở lên, quy mô tùy thuộc vào số lượng gà. Độ cao của nền chuồng so với mặt đất vẫn phải đảm bảo khoảng 2 - 3 viên gạch.
Chuồng nuôi nhốt hoàn toàn phù hợp với mô hình nuôi hướng thịt, nuôi với số lượng lớn hoặc những nông hộ nuôi gà tre ở thành thị mà hạn chế về diện tích đất.
Kiểu chuồng nuôi nhốt hoàn toàn thường làm bằng nguyên liệu chính là gạch, xi măng. Nền chuồng phải xây cao cách mặt đất 45 - 50cm. Mái chuồng có thể lợp bằng Fibro xi măng, tôn, ngói, lá cọ, tranh.... Nếu lợp mái cọ thì độ nghiêng 45 độ, mái Fibro xi măng độ nghiêng 16 - 20 độ, lợp mái ngói yêu cầu độ nghiêng 35 độ.
Nếu diện tích từ 560 - 1000m2 thì có thể xây chuồng có chiều dài từ 80 - 100m, rộng 7 - 10m, cao 3,5m. Đối với mô hình nuôi nhốt hoàn toàn thì mật độ cho gà trưởng thành là 8 con/m2 nuôi trên sàn và 10 con/m2 nuôi trên nền.
Diện tích chuồng gà = mật độ x tổng số gà tre.
Ví dụ: nuôi 1000 con gà với mật độ 6 - 8 con/m2 cần thiết kế diện tích rộng từ 120 - 160m2.
Bên trong chuồng thiết kế hệ thống làm mát bằng giàn lạnh hoặc hệ thống phun sương để chuồng luôn thông thoáng.
Trong chuồng bố trí máng ăn, máng uống đầy đủ theo từng lứa tuổi của gà. Gà tre không phù hợp với mô hình nuôi nhốt hoàn toàn như gà công nghiệp, do đó cần phải bỏ nhiều công sức chăm bẵm thật kỹ thì gà mới phát triển khỏe mạnh.
Nuôi nhốt hoàn toàn sẽ làm giảm sản lượng trứng gà mái rất rõ rệt, vì thế nếu nuôi gà tre sinh sản thì bà con cần phải xem xét lượng chọn phương án nuôi thả vườn.
Làm chuồng nuôi có sân thả vườn là mô hình nuôi gà tre phổ biến hiện nay, phù hợp với tập tính sống của gà, đặc biệt là gà đẻ trứng, gà chiến, gà cảnh giúp chúng có bộ lông óng mượt, đẹp, chân đẹp, đá khỏe.
Vườn thả thường rộng gấp 3 lần chuồng, mật độ đảm bảo 0,5 - 1m2/con có ánh nắng chiếu vào với cường độ vừa phải để buổi sáng 8 - 10 giờ thả gà ra sân tắm nắng.
Nếu có điều kiện thì sân thả nên được thiết kế hai phía trước và sau, thực hiện chăn thả luân phiên sẽ tốt hơn. Sân thả phải được san bằng phẳng, độ nghiêng hợp lý để thoát nước, tránh ứ đọng. Sân có thể tráng xi măng hoặc đất nện thật chặt. Quét dọn sân sạch sẽ, không có nước tù, không có rác bẩn.
Bên trong sân cần phải bố trí bể tắm cát cho gà tre. Xung quanh sân sử dụng lưới mắt cáo hoặc hàng rào bằng cọc tre, gỗ để quây lại, đảm bảo an toàn cho đàn gà, không cho người lạ, thú hoang, hoặc thú nuôi xâm nhập và gà không thể vượt qua
Một số thiết bị chuồng nuôi gà tre
Nuôi gà chọi con cần phải thiết kế lồng úm gà để chăm sóc, nuôi dưỡng gà con từ khi mới nở đến trên 2 tháng tuổi, có khả năng tự kiếm ăn, sức đề kháng tốt, chống chọi được với bệnh tật, vi khuẩn, virus.
Lồng úm gà tre con được bố trí ở một khu vực riêng biệt trong chuồng nuôi, không nên đặt gần khu vực cửa ra vào để tránh gió lùa và tiếng động mạnh.
Vật liệu làm chuồng úm có thể là cót ép, cót cật, tấm nhựa hoặc thép. Phía bên ngoài được quây lại bằng bạt, nilon kín tránh gió lùa, mưa tạt.
Kích thước lồng úm: cao tối thiểu 0,5m, quây tròn lại với đường kính 2,8 - 3,0m. Một lồng úm như vậy sẽ nuôi được khoảng 400 con gà tre con vào mùa hè và 500 con gà tre con vào mùa đông.
+ Chất độn chuồng: bằng vỏ trấu, mùn cưa, xơ dừa, rơm khô... rải với độ dày từ 7 - 10cm. Nguyên liệu phải được sấy khô hoàn toàn, phun thuốc sát trùng. Đối với gà tre con thì tốt nhất nên sử dụng rơm rạ khô, tuy nhiên phải chú ý thay chất độn, tránh mang mầm bệnh cho gà.
+ Khay, mẹt cho gà con ăn, uống.
+ Chụp sưởi: Có thể sử dụng bóng đèn hồng ngoại hoặc bóng đèn có công suất từ 75W - 150W, treo cách nền từ 30 - 60cm. Nên dùng loại bóng đèn mờ màu đỏ là tốt nhất, bao quanh bóng đèn là một chụp làm bằng kim loại tròn, sơn màu sáng, có lỗ đường kính 1m. Còn sử dụng bóng hồng ngoại thì giá thành khá đắt nhưng tia hồng ngoại lại có tác dụng kích thích sinh trưởng và diệt khuẩn, tốt cho gà con.
Hiện nay có các loại máng ăn cho gà tre như: khay ăn, máng ăn P50, máng ăn tự động hoặc tận dụng chai lọ nhựa để làm máng treo.Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và tuổi của gà tre, các hộ nuôi sử dụng máng phù hợp nhất. Nhưng phải đảm bảo phù hợp với đặc điểm sinh lý, giúp gà dễ ăn, khó làm rơi vãi thức ăn ra ngoài, hợp vệ sinh, dễ dàng cọ rửa.
Nuôi từ 1 - 2 tuần tuổi nên sử dụng khay/mẹt ăn bằng nhựa hoặc tôn, kích thước khoảng 50 - 60cm, đường gờ xung quanh (chiều cao) 2 - 3cm cho 100 con gà tre con.
Treo máng ăn phù hợp, khoa học, có thể treo bên ngoài lồng nuôi. Mép máng sẽ ngang tầm với sống lưng của gà.
Hàng ngày phải rửa sạch máng ăn, loại bỏ hết thức ăn dư thừa trong máng.Để tránh dư thừa quá nhiều thức ăn gây lãng phí và tốn kém, các nông hộ có thể đem cám gạo, cám ngô cùng với rau củ quả nghiền nhuyễn rồi dùng máy ép cám viên để ép thành viên cám giàu dinh dưỡng để gà ăn hết thức ăn trong máng.
Máng uống cũng có thể tận dụng chai lọ nhựa hoặc sử dụng máng galon, máng uống tự động, núm uống lương cao, núm uống lưng thấp.
Thời kỳ úm gà con, máng uống bố trí xen kẽ máng ăn, theo hình dải quạt.Nếu dùng máng uống galon, chiều cao của mép máng uống cũng ngang sống lưng gà.
Hàng ngày phải thay nước sạch sẽ, cọ rửa máng uống. Sát trùng định kỳ máng ăn, máng uống bằng cách ngâm nước, dùng bàn chải hoặc giẻ lau sạch. Tiếp theo, ngâm máng vào dung dịch thuốc sát trùng formol 1% từ 10 - 15 phút rồi đem rửa lại, phơi nắng cho thật khô.
Trong cách làm chuồng gà tre, một yếu tố không thể bỏ qua là bể tắm cát. Gà tre rất thích tắm cát. Đối với mô hình nuôi gà tre kết hợp sân thả thì làm bể tắm cát cho gà.
Kích thước: rộng 1m, dài 2m, cao 0,3 - 0,4m.Bên trong để: cát, sỏi nhỏ, tro bếp và diêm sinh.
Bố trí dàn đậu bên trong chuồng phù hợp với tập tính của gà tre.
Nguyên liệu: có thể dùng gỗ, tre, nứa làm dàn để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên dàn đậu phải làm mịn, tránh gây tổn thương chân gà. Cũng không nên sử dụng cây tròn, trơn làm gà khó đậu ngủ.
Dàn đậu treo cao cách nền 0,5m, mỗi dàn cách nhau từ 0,3 - 0,4m để gà không chạm vào nhau.
Ngoài ra, nếu nuôi gà tre sinh sản thì cần thiết kế thêm ổ đẻ cho gà mái khi nuôi trên nền. Vật liệu làm ổ đẻ có thể là tôn, cót hoặc sọt.
Làm ổ đẻ tập trung thành từng cụm, mỗi cụm bố trí từ 10 - 15 ổ, có thể xếp thành 2 - 3 tầng. Cụm ổ đẻ của gà tre đặt sát vách chuồng, buộc bằng thép chắc chắn. Vị trí ổ đẻ là nơi ít ánh sáng nhất trong chuồng, tránh tác động của những con gà trưởng thành khác.